Theo Báo Cáo Của BIS: Việc Không Thống Nhất Được Quy Định Chung Có Thể Làm Ảnh Hưởng Đến Khả Năng Sử Dụng Của Stablecoin

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã phát hiện ra rằng bất chấp tiềm năng của stable coin, việc sử dụng chúng đang bị cản trở bởi sự phân mảnh quy định trên toàn cầu, theo khảo sát của 11 khu vực pháp lý. Báo cáo cho biết việc ban hành các quy định về stablecoin là “cấp thiết”, nhưng sự khác biệt trong quy định đặt ra rủi ro cho việc tích hợp chúng vào hệ thống tài chính quốc tế.

Báo cáo lưu ý rằng hầu hết các cách tiếp cận theo quy định đều có những điểm tương đồng trong việc cấp phép cho các nhà phát hành, yêu cầu dự trữ, quản lý rủi ro và các biện pháp chống rửa tiền (AML). Tuy nhiên, sự khác biệt trong việc xây dựng cấu trúc phát hành stablecoin có thể khiến chúng bị quản lý theo khuôn khổ ngân hàng, chứng khoán, hàng hóa hoặc hệ thống thanh toán.

Ngoài ra còn có những khác biệt trong các chi tiết của quy định, chính sách đổi stablecoin và định nghĩa về một stablecoin. Ví dụ, một số khu vực pháp lý điều chỉnh stablecoin thuật toán (không được neo với tài sản bên ngoài) giống hệt với stablecoin được neo giá với tiền pháp định, nhưng Vương quốc Anh, Nhật Bản và Singapore lại điều chỉnh chúng riêng biệt, và các khu vực pháp lý ở Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hoàn toàn cấm chúng.

Theo báo cáo cho biết: “Sự khác biệt dường như chủ yếu đến từ sự đa dạng về các tính năng thiết kế của stablecoin, những rủi ro được nhận thấy liên quan đến việc phát hành chúng và bản chất của tổ chức phát hành. Hậu quả của sự phân mảnh này có thể đặt ra những thách thức đáng kể cho một hệ thống tài chính tích hợp”.

Việc dự trữ có thể phải được phân tách theo những cách khác nhau, được đặt vào tay những bên lưu ký tuân theo các yêu cầu khác nhau, hoặc trong trường hợp của Vương quốc Anh, được đặt vào một quỹ tín thác theo quy định của pháp luật. Yêu cầu kiểm toán và thanh khoản cũng rất khác nhau.

Các yêu cầu về công nghệ và an ninh mạng có xu hướng thống nhất hơn. Tuy nhiên, sự tương tác của các stablecoin với tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, tiền gửi được mã hóa và các tài sản kỹ thuật số khác cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Báo cáo này tiếp nối các khuyến nghị của BIS về việc quản lý stablecoin được công bố vào tháng 2. BIS kêu gọi các chính phủ hợp tác và giải quyết các vấn đề về minh bạch, quản lý rủi ro, đổi stablecoin và các vấn đề khác.

Nhiều tổ chức quốc tế khác, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban ổn định tài chính (FSB), Nhóm Kiến nghị hành động tài chính (FATF), Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel (BCBS) và Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), cũng có các chính sách về stablecoin mà họ hy vọng sẽ được thúc đẩy.

KênhBit tổng hợp

Từ khóa :
Bài viết mới
Tin nổi bật