Mục lục [Hiển thị]
- Giai đoạn hình thành (2013 - 2015)
- Sự kiện The DAO Hack và Hard Fork (2016)
- Chuyển đổi sang Proof-of-Stake (2022)
- Nâng cấp Dencun (2024)
- Cấu Trúc Blockchain Ethereum
- Máy Chủ Ảo Ethereum (EVM) và Smart Contract
- Cơ Chế Đồng Thuận Của Ethereum
- Nâng Cấp Ethereum và Công Cụ Theo Dõi
- Hợp đồng thông minh
- Máy ảo Ethereum (EVM)
- Ứng dụng phi tập trung (dApp)
- Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO)
- ERC – Tiêu chuẩn quan trọng trong hệ sinh thái Ethereum
- ERC-20 – Tiêu chuẩn token phổ biến nhất
- ERC-721 – Tiêu chuẩn mở đường cho NFT
- ERC-1155 – Sự kết hợp giữa ERC-20 và ERC-721
- ERC-777 – Phiên bản nâng cấp của ERC-20
- ERC-4626 – Tiêu chuẩn tối ưu hóa lợi suất DeFi
- ERC-827 – Mở rộng chức năng giao dịch token
- ERC-884 – Mã hóa tài sản thực lên blockchain
- ERC-865 – Cho phép người khác thanh toán phí gas
- Wrapped Ether (WETH) – Cầu nối mở rộng hệ sinh thái Ethereum
- Key Metrics ETH
- Phân bổ ban đầu của ETH
- ETH token dùng để làm gì?
- Mua bán Ethereum (ETH) ở đâu?
- Lưu trữ ETH ở đâu?
Ethereum (ETH) là nền tảng blockchain phi tập trung hàng đầu, cho phép tạo hợp đồng thông minh và ứng dụng phi tập trung (DApp). Tìm hiểu cùng KenhBit cách hoạt động, ưu điểm và vai trò của ETH trong hệ sinh thái blockchain!
Ethereum (ETH) là gì?
Ethereum (ETH) là một blockchain Layer 1 , mã nguồn mở và phi tập trung , cho phép triển khai hợp đồng thông minh (smart contracts) và phát triển ứng dụng phi tập trung (dApp) . Đây là nền tảng blockchain đầu tiên cung cấp khả năng lập trình, giúp các nhà phát triển xây dựng nhiều ứng dụng khác nhau như tài chính phi tập trung (DeFi), NFT, game blockchain và nhiều giải pháp Web3 khác.
Ethereum là gì?
Ethereum hoạt động dựa trên mạng lưới các máy tính toàn cầu , thay vì hệ thống máy chủ tập trung như Google hay Amazon. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch, bảo mật và không bị kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức nào.
Bên cạnh đó, Ethereum còn có đồng tiền gốc Ether (ETH) , được sử dụng để thanh toán phí giao dịch ( gas fee ) và tham gia vào cơ chế Proof of Stake (PoS) để bảo vệ mạng lưới.
Với tầm ảnh hưởng rộng lớn và là nền tảng của nhiều dự án blockchain quan trọng, Ethereum không chỉ là một blockchain mà còn là hệ sinh thái cốt lõi của ngành công nghiệp crypto .
Lịch sử phát triển của Ethereum
Giai đoạn hình thành (2013 - 2015)
Ethereum được đề xuất lần đầu tiên vào tháng 11/2013 bởi Vitalik Buterin thông qua một whitepaper , trình bày ý tưởng về một nền tảng blockchain có thể chạy hợp đồng thông minh (smart contract) thay vì chỉ dùng để giao dịch như Bitcoin.
Sau đó, dự án nhanh chóng thu hút sự tham gia của nhiều nhân vật quan trọng trong lĩnh vực blockchain như Gavin Wood, Charles Hoskinson, Joseph Lubin, Anthony Di Iorio, Jeffrey Wilcke, Mihai Alisie và Amir Chetrit .
Năm 2014, Buterin chính thức giới thiệu Ethereum tại hội nghị Bitcoin Miami, thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng crypto. Để huy động vốn phát triển, Ethereum đã tổ chức một đợt ICO (Initial Coin Offering) vào tháng 9/2014, huy động được khoảng 18 triệu USD , trở thành một trong những ICO thành công nhất thời điểm đó.
Ngày 30/07/2015 , Ethereum chính thức ra mắt với phiên bản beta mang tên "Frontier" , cho phép các nhà phát triển triển khai ứng dụng phi tập trung (dApp) dựa trên hợp đồng thông minh .
Sự kiện The DAO Hack và Hard Fork (2016)
Vào tháng 5/2016 , một tổ chức tự trị phi tập trung mang tên The DAO ra đời trên Ethereum, huy động được 162 triệu USD chỉ sau hơn một tháng hoạt động. The DAO cho phép người dùng đầu tư vào các dự án mà không cần thông qua tổ chức trung gian.
Tuy nhiên, vào 18/06/2016 , một hacker đã khai thác lỗ hổng trong hợp đồng thông minh của The DAO, chuyển 3,6 triệu ETH (tương đương 50 triệu USD vào thời điểm đó) vào một tài khoản con của DAO gọi là DAO Child .
Trước tình thế này, cộng đồng Ethereum đã tranh luận về cách giải quyết:
- Soft Fork được đề xuất nhằm vô hiệu hóa số ETH bị đánh cắp, nhưng bị từ chối do tồn tại rủi ro tấn công từ chối dịch vụ (DoS).
- Hard Fork được thông qua vào ngày 20/07/2016 , hoàn trả toàn bộ số ETH bị đánh cắp cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ không đồng ý với quyết định này và tiếp tục duy trì blockchain gốc, hình thành nên Ethereum Classic (ETC) .
Chuyển đổi sang Proof-of-Stake (2022)
Ethereum ban đầu sử dụng cơ chế Proof-of-Work (PoW) giống Bitcoin, nhưng nó gây tốn năng lượng và làm giảm hiệu suất mạng lưới. Sau nhiều năm nghiên cứu, Ethereum hoàn tất sự kiện The Merge vào tháng 9/2022 , chính thức chuyển sang Proof-of-Stake (PoS) , giúp:
- Giảm tiêu thụ năng lượng đến 99,9% .
- Cải thiện bảo mật và giúp mạng lưới trở nên phi tập trung hơn.
- Chuẩn bị nền tảng cho Ethereum 2.0 , với các nâng cấp quan trọng nhằm tăng khả năng mở rộng và giảm phí gas.
Nâng cấp Dencun (2024)
Vào ngày 13/03/2024 , Ethereum tiếp tục thực hiện hard fork Dencun , giới thiệu Proto-Danksharding , một bước quan trọng để cải thiện khả năng mở rộng của mạng lưới và giảm chi phí giao dịch trên Layer 2 .
Ethereum Hoạt Động Như Thế Nào?
Cấu Trúc Blockchain Ethereum
Về cơ bản, blockchain của Ethereum hoạt động tương tự các blockchain khác, được vận hành bởi một mạng lưới các máy tính (nodes). Để tham gia vào mạng lưới, các nodes cần cài đặt phần mềm Ethereum Client như Geth, Parity… Khi chạy Ethereum Client, các nodes sẽ sử dụng Ethereum Virtual Machine (EVM), một máy ảo chịu trách nhiệm thực thi hợp đồng thông minh (smart contract).
Máy Chủ Ảo Ethereum (EVM) và Smart Contract
Ethereum cho phép các nhà phát triển xây dựng ứng dụng phi tập trung (dApps) bằng cách triển khai smart contract thông qua ngôn ngữ lập trình Solidity. Khi smart contract được kích hoạt, EVM sẽ xử lý các lệnh và thực thi giao dịch một cách tự động. Mỗi giao dịch trên mạng lưới cần trả một khoản phí gọi là “Gas,” được thanh toán bằng Ether (ETH).
Cách Máy Chủ Ảo Ethereum hoạt động
Cơ Chế Đồng Thuận Của Ethereum
Trước đây, Ethereum sử dụng cơ chế Proof of Work (PoW), nơi các miner nodes phải giải thuật toán Ethash để tạo block mới và xác nhận giao dịch. Tuy nhiên, vào ngày 15/9/2022, Ethereum chính thức chuyển sang Proof of Stake (PoS) sau sự kiện The Merge. Với PoS, người dùng có thể stake ETH để tham gia xác thực giao dịch và nhận phần thưởng, giúp mạng lưới tiết kiệm năng lượng và cải thiện tốc độ xử lý.
Nâng Cấp Ethereum và Công Cụ Theo Dõi
Sau The Merge, Ethereum tiếp tục nâng cấp với Shanghai Upgrade vào tháng 3/2023, mở khóa staking ETH và chuẩn bị cho The Surge – bản cập nhật tối ưu tốc độ giao dịch TPS. Để theo dõi giao dịch trên Ethereum , người dùng có thể sử dụng công cụ Etherscan, giúp kiểm tra thông tin ví, smart contract và lịch sử giao dịch một cách minh bạch.
Các tính năng độc đáo của Ethereum
Ethereum không chỉ nổi bật nhờ vào việc hỗ trợ các giao dịch blockchain mà còn vì nhiều tính năng đặc biệt khiến nó trở thành một nền tảng hấp dẫn cho các nhà phát triển và người dùng. Dưới đây là những tính năng nổi bật của Ethereum:
Hợp đồng thông minh
Hợp đồng thông minh (Smart Contracts) là một trong những tính năng đặc trưng và quan trọng của Ethereum. Các hợp đồng này có thể tự động thực hiện các điều khoản đã được lập trình sẵn khi các điều kiện cụ thể được đáp ứng. Vì không có sự can thiệp của bên thứ ba, hợp đồng thông minh giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, đồng thời giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự tin cậy của các bên trung gian. Hợp đồng thông minh không chỉ ứng dụng trong các giao dịch tài chính mà còn có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tự động hóa giao dịch hoặc phát triển các trò chơi blockchain.
Máy ảo Ethereum (EVM)
Máy ảo Ethereum (EVM) là một môi trường thực thi các hợp đồng thông minh và ứng dụng phi tập trung (dApp). EVM là máy tính ảo hoàn chỉnh theo lý thuyết Turing, có khả năng thực thi bất kỳ chương trình nào. Điều này giúp các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng phức tạp trên blockchain, bao gồm cả các hệ thống tài chính, trò chơi và các ứng dụng đột phá khác. Tính năng Turing-complete này mở rộng khả năng của Ethereum, giúp nền tảng này hỗ trợ các ứng dụng blockchain với độ phức tạp cao.
Ứng dụng phi tập trung (dApp)
Các ứng dụng phi tập trung (dApp) là các ứng dụng chạy trên mạng blockchain, không bị kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Điều này giúp dApp không bị kiểm duyệt và không thể ngừng hoạt động bởi một thực thể duy nhất. Các dApp có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính phi tập trung (DeFi), trò chơi, mạng xã hội, và nhiều ứng dụng khác. Sự phi tập trung này không chỉ mang lại sự bảo mật và minh bạch mà còn tạo ra những cơ hội mới trong việc xây dựng các ứng dụng.
Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO)
Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) là một cộng đồng hoạt động dựa trên các quy tắc được xác định trong hợp đồng thông minh. Các DAO không có một người lãnh đạo duy nhất, điều này giúp các quyết định trở nên cởi mở và dân chủ hơn. Thay vì có một cơ quan quản lý trung ương, DAO cho phép các thành viên tham gia vào quá trình ra quyết định thông qua quyền biểu quyết, mà họ có được từ việc nắm giữ các mã thông báo của tổ chức. Đây là một mô hình mới để mọi người có thể cùng nhau tổ chức và làm việc trên nền tảng blockchain mà không cần phụ thuộc vào một bên quản lý trung ương.
Các tiêu chuẩn Token trên Ethereum (Ethereum Token Standards)
Ethereum là một nền tảng blockchain phổ biến, hỗ trợ hợp đồng thông minh (smart contract) và ứng dụng phi tập trung (dApps). Để các token trên Ethereum có thể tương tác dễ dàng, chúng được phát triển theo các tiêu chuẩn ERC (Ethereum Request for Comments). Trước khi được chấp nhận, một tiêu chuẩn ERC phải trải qua quá trình đánh giá và phê duyệt thông qua EIP (Ethereum Improvement Proposal). Những tiêu chuẩn này đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Ethereum, giúp chuẩn hóa cách token hoạt động, giao dịch và tích hợp trên các nền tảng khác nhau.
ERC – Tiêu chuẩn quan trọng trong hệ sinh thái Ethereum
Khi triển khai token trên mạng lưới Ethereum, các nhà phát triển cần tuân theo những bộ quy tắc nhất định để đảm bảo khả năng tương thích và hoạt động hiệu quả của hợp đồng thông minh. Những bộ quy tắc này được gọi là ERC (Ethereum Request for Comments) và được cộng đồng Ethereum chấp thuận thông qua EIP (Ethereum Improvement Proposal). Dưới đây là các tiêu chuẩn ERC quan trọng mà bạn cần biết.
ERC-20 – Tiêu chuẩn token phổ biến nhất
Vào tháng 6/2015, Vitalik Buterin đã đề xuất tiêu chuẩn ERC-20, đặt nền móng cho việc phát hành token trên Ethereum. Đây là bộ quy tắc giúp chuẩn hóa cách các token tương tác với hợp đồng thông minh, ví và các nền tảng giao dịch. Nhờ ERC-20, hàng nghìn token đã được tạo ra dễ dàng, góp phần thúc đẩy làn sóng ICO bùng nổ năm 2017.
Các quy tắc bắt buộc trong ERC-20:
- Total Supply : Tổng số token được phát hành.
- Balance Of : Kiểm tra số dư token trong một ví Ethereum.
- Transfer : Chuyển token từ người này sang người khác.
- Transfer From : Chuyển token từ một địa chỉ cụ thể, thường được dùng trong hợp đồng thông minh.
- Approve : Cho phép hợp đồng thông minh quản lý một số lượng token nhất định.
- Allowance : Kiểm tra số token được phép chi tiêu từ một địa chỉ.
Ngoài ra, ERC-20 có ba thông số tùy chọn: Token Name (tên token), Symbol (ký hiệu token), Decimal (số chữ số thập phân, tối đa 18 số) .
ERC-721 – Tiêu chuẩn mở đường cho NFT
Đến tháng 1/2018, William Entriken và cộng sự đã đề xuất ERC-721, tiêu chuẩn đầu tiên dành cho Non-Fungible Token (NFT). Không giống ERC-20, mỗi ERC-721 token là duy nhất, giúp mở ra một hệ sinh thái mới cho nghệ thuật số, game blockchain và các tài sản kỹ thuật số độc nhất. Một trong những ứng dụng đầu tiên và nổi tiếng nhất của ERC-721 chính là CryptoKitties , trò chơi nuôi mèo trên Ethereum từng gây bão trong cộng đồng crypto.
ERC-1155 – Sự kết hợp giữa ERC-20 và ERC-721
Tháng 6/2018, CTO của Enjin Coin đề xuất ERC-1155 nhằm tối ưu hóa việc phát hành token trên Ethereum. ERC-1155 cho phép tạo cả fungible token (giống ERC-20) và non-fungible token (giống ERC-721) trong cùng một hợp đồng thông minh, giúp tiết kiệm phí gas và tối ưu hiệu suất.
ERC-777 – Phiên bản nâng cấp của ERC-20
ERC-777 ra đời với mục tiêu khắc phục hạn chế của ERC-20, đặc biệt là vấn đề giao dịch bị kẹt do token bị gửi nhầm vào hợp đồng thông minh. Tiêu chuẩn này cải thiện trải nghiệm người dùng và giúp các hợp đồng thông minh giao tiếp linh hoạt hơn.
ERC-4626 – Tiêu chuẩn tối ưu hóa lợi suất DeFi
Khi gửi tài sản vào các pool thanh khoản hoặc giao thức lending, người dùng thường nhận lại một loại token đại diện cho phần tài sản của mình. ERC-4626 ra đời nhằm tiêu chuẩn hóa mô hình này, giúp tối ưu hóa việc staking và quản lý tài sản trong DeFi.
ERC-827 – Mở rộng chức năng giao dịch token
ERC-827 cho phép các giao dịch token mang thêm dữ liệu bổ sung, giúp tích hợp dễ dàng hơn với các ứng dụng tài chính. Tiêu chuẩn này còn hỗ trợ chức năng "approveAndCall", giúp thực hiện nhiều hành động chỉ trong một giao dịch duy nhất.
ERC-884 – Mã hóa tài sản thực lên blockchain
Được đề xuất bởi William Entriken và Robert A. Habermeier, ERC-884 giúp phân chia quyền sở hữu tài sản thực như bất động sản hay hàng hóa trên blockchain. Nhờ đó, việc token hóa tài sản trở nên minh bạch và có tính thanh khoản cao hơn.
ERC-865 – Cho phép người khác thanh toán phí gas
ERC-865 giúp người dùng gửi token mà không cần trả phí gas bằng ETH. Thay vào đó, một bên thứ ba có thể thanh toán phí này, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng, đặc biệt với những người mới tham gia vào Ethereum.
Wrapped Ether (WETH) – Cầu nối mở rộng hệ sinh thái Ethereum
ETH là token gốc của mạng Ethereum nhưng không tuân theo tiêu chuẩn ERC-20. Để ETH có thể tương tác tốt hơn với các DApp và giao thức DeFi, nó cần được "bọc" lại thành WETH. Người dùng có thể chuyển đổi giữa ETH và WETH theo tỷ lệ 1:1, giúp mở rộng khả năng sử dụng ETH trên các nền tảng khác nhau.
Thông tin về ETH coin
Key Metrics ETH
- Tên token: Ethereum
- Ký hiệu: ETH
- Blockchain: Ethereum
- Tiêu chuẩn token: ERC-20
- Loại token: Utility & Governance
- Nguồn cung tối đa: Không giới hạn
- Nguồn cung lưu hành: 120,491,528 ETH (tính đến ngày 20/2/2023)
Trước khi triển khai EIP-1559, Ethereum có tỷ lệ lạm phát khoảng 3.5% mỗi năm. Tuy nhiên, sau sự kiện The Merge, số lượng ETH mới phát hành đã giảm đáng kể. Khi số ETH bị đốt vượt quá số lượng phát hành, ETH có thể trở thành một tài sản giảm phát. Tính đến tháng 2/2023, chỉ số lạm phát của ETH đang ở mức -0.056%, cho thấy nguồn cung đang dần thu hẹp.
Phân bổ ban đầu của ETH
Khi ra mắt, Ethereum đã tiến hành pre-mine 72 triệu ETH và phân bổ theo tỷ lệ sau:
- Đội ngũ phát triển Ethereum: Nhận 12 triệu ETH để tài trợ cho quá trình xây dựng nền tảng.
- Nhà đầu tư ICO: Phần còn lại được bán ra để huy động vốn, giúp Ethereum mở rộng và phát triển hệ sinh thái.
Biểu đồ phân bổ ETH token
Việc huy động vốn qua ICO đã giúp Ethereum thu hút cộng đồng lớn mạnh, trở thành một trong những blockchain hàng đầu trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi) và ứng dụng phi tập trung (dApp).
ETH token dùng để làm gì?
- Thanh toán phí gas khi thực hiện giao dịch hoặc triển khai hợp đồng thông minh.
- Đóng vai trò trong cơ chế staking, giúp người dùng trở thành validator (người xác nhận giao dịch) trong mạng lưới.
- Cho phép trả thêm phí để tăng ưu tiên, giúp giao dịch được xử lý nhanh hơn.
Mua bán Ethereum (ETH) ở đâu?
Ethereum (ETH) là một trong những loại tiền mã hóa phổ biến nhất, được giao dịch rộng rãi trên nhiều sàn giao dịch. Có hai loại sàn chính mà bạn có thể sử dụng để mua bán ETH:
- Sàn giao dịch tập trung (CEX - Centralized Exchange) : Đây là các sàn do một tổ chức quản lý, cung cấp thanh khoản cao và giao diện thân thiện với người dùng. Một số sàn CEX phổ biến niêm yết ETH bao gồm Binance, Coinbase, OKX, Huobi, Kraken, KuCoin, và Bybit.
- Sàn giao dịch phi tập trung (DEX - Decentralized Exchange) : Các sàn DEX hoạt động trên nền tảng blockchain mà không có bên trung gian, giúp người dùng giao dịch trực tiếp từ ví cá nhân. Một số DEX phổ biến hỗ trợ ETH là Uniswap, Sushiswap và Curve Finance.
Lưu trữ ETH ở đâu?
Sau khi mua ETH, bạn cần một ví lưu trữ an toàn. Có nhiều loại ví hỗ trợ ETH, bao gồm:
- Ví sàn (Exchange Wallets) : Lưu ETH trực tiếp trên sàn giao dịch như Binance, OKX… tiện lợi nhưng có rủi ro bị tấn công hoặc đóng băng tài khoản.
- Ví nóng (Hot Wallets) : Ví điện tử kết nối internet, giúp giao dịch nhanh chóng. Một số ví ETH phổ biến gồm MetaMask, Trust Wallet, Rabby Wallet,...
- Ví lạnh (Cold Wallets) : Thiết bị phần cứng lưu trữ ETH ngoại tuyến, an toàn trước các cuộc tấn công mạng. Các ví lạnh phổ biến gồm Ledger và Trezor.
Tùy vào nhu cầu sử dụng, bạn có thể chọn ví phù hợp để bảo vệ tài sản ETH của mình một cách tốt nhất.
Để lại bình luận
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *