Ứng dụng của Blockchain: Chăm sóc sức khỏe

Thông thường khi nhắc đến blockchain, người ta thường chỉ nghĩ ngay đến Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác. Tuy vậy, công nghệ blockchain hiện đã được khai phá ứng dụng cả vào lưu trữ dữ liệu và bảo mật trong những ngành công nghiệp khác. Ngoài ứng dụng trong từ thiện và chuỗi cung ứng, vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng là một lĩnh vực áp dụng công nghệ blockchain hiện đang rất được quan tâm. Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao blockchain lại phù hợp với lĩnh vực này? 

Những lợi ích mà blockchain mang lại cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Những đặc điểm làm cho các blockchain tiền mã hóa hoạt động dưới dạng bản ghi chép các giao dịch tài chính có tính bảo mật cao được khai thác để ứng dụng trong việc lưu trữ các dữ liệu y tế. Do phần lớn các blockchain được thiết kế để trở thành một hệ thống phân tán có khả năng ghi chép và bảo vệ các tệp tin thông qua việc sử dụng mật mã học, nên việc sửa đổi hay phá hủy các dữ liệu này khi không được sự cho phép của những người tham gia mạng lưới trở nên cực kỳ khó khăn. Nhờ có tính bất biến này, cùng với các tính năng khác của blockchain, người ta có thể tạo ra các cơ sở dữ liệu không thể sửa đổi để lưu trữ các thông tin y tế. Ngoài ra, cấu trúc mạng ngang hàng (peer-to-peer) sử dụng trong các blockchain còn cho phép các bản sao về dữ liệu bệnh nhân được đồng bộ hoàn toàn với nhau ngay cả khi có những bản cập nhật mới, bất chấp việc chúng được lưu trữ trên các máy tính khác nhau. Trên thực tế, mỗi node trong mạng lưới sẽ lưu giữ một bản sao của toàn bộ blockchain đó và sẽ liên tục giao tiếp với nhau để đảm bảo dữ liệu luôn được cập nhật và xác thực. Vì thế, tính phi tập trung và phân tán dữ liệu của blockchain giữ một vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực này. 

Một vấn đề đáng được nhắc đến ở đây là việc các blockchain là phân tán, nhưng không phải lúc nào cũng mang tính phi tập trung (về mặt quản trị). Phi tập trung không phải là một khái niệm đúng sai, mà nó phụ thuộc vào mức độ phân tán của các node trong toàn bộ cấu trúc, các hệ thống phân tán có thể nằm ở các mức độ phi tập trung khác nhau. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các blockchain thường được xây dựng dưới dạng các mạng riêng (private network), trái ngược với các mạng công cộng dùng làm sổ cái cho tiền mã hóa. Với các blockchain công cộng thì bất cứ ai cũng có thể tham gia và đóng góp vào đó, nhưng với các mạng riêng, người dùng muốn tham gia cần có được sự đồng ý và sẽ chịu sự quản lý của một số lượng nhỏ các node trong mạng lưới. 

Các ưu điểm tiềm năng

Tăng khả năng bảo mật

Như đã đề cập, một trong các ứng dụng quan trọng nhất của blockchain trong ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe là việc tận dụng công nghệ này để tạo ra cơ sở dữ liệu an toàn và mang tính ngang hàng thống nhất (phân tán). Nhờ tính bất biến của blockchain, việc phá hoại dữ liệu sẽ không còn là một trở ngại đáng bận tâm nữa. Công nghệ blockchain được sử dụng một cách hữu hiệu trong việc đăng ký và theo dõi dữ liệu của hàng ngàn bệnh nhân khác nhau. Không giống như các cơ sở dữ liệu truyền thống phụ thuộc vào một máy chủ tập trung, việc áp dụng hệ thống phân tán vừa cho phép sự trao đổi dữ liệu được diễn ra một cách an toàn hơn rất nhiều, vừa cắt giảm được các chi phí quản lý mà hệ thống hiện tại đã phải chịu. Bản chất phi tập trung của các blockchain giúp chúng bảo vệ các thông tin quan trọng tốt hơn trước các vấn đề như lỗi kỹ thuật hay tấn công từ bên ngoài. Các bệnh viện, đối tượng ưa thích của các hacker hay tấn công đòi tiền chuộc, sẽ được bảo vệ tốt hơn rất nhiều nếu sử dụng các mạng lưới blockchain. 

Khả năng tương tác

Một lợi thế khác của việc áp dụng blockchain vào việc lưu trữ dữ liệu y tế, là nó có khả năng tăng cường tính tương tác giữa các cơ sở ý tế, bệnh viện với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế khác. Khác biệt về công nghệ trong các hệ thống lưu trữ thường gây rất nhiều khó khăn cho các tổ chức trong việc chia sẻ tài liệu. Tuy nhiên, các blockchain có thể giải quyết được vấn đề này bằng cách cho các bên có ủy quyền được phép truy cập vào một cơ sở dữ liệu hợp nhất các thông về bệnh nhân hay cả các hồ sơ phân phát thuốc men. Từ đó, thay vì phải tìm cách truy cập vào cơ sở dữ liệu nội bộ của nhau, các nhà cung cấp dịch vụ giờ đã có thể làm việc trên một cơ sở dữ liệu chung. 

Khả năng tiếp cận và tính minh bạch 

Ngoài việc đơn giản hóa quy trình chia sẻ hồ sơ, các hệ thống blockchain cũng giúp bệnh nhân có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin sức khỏe cá nhân của họ với độ minh bạch cao hơn. Trong một số trường hợp, việc yêu cầu xác thực các thay đổi tài liệu bệnh án có thể đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, và nếu được sử dụng hợp lý, cách xác thực như vậy sẽ bổ sung thêm được một lớp bảo mật trước các rủi ro về sơ suất của con người hay các ý đồ cố tình làm sai lệch thông tin. 

Phương pháp quản lý chuỗi cung ứng đáng tin cậy

Các blockchain cung cấp thêm được một phương pháp đáng tin cậy trong việc theo dõi dược phẩm từ toàn bộ quá trình sản xuất cho tới phân phối, làm giảm thiểu vấn đề thuốc giả tràn lan như hiện nay. Khi kết hợp với các thiết bị IoT để đo lường các yếu tố như nhiệt độ, công nghệ blockchain có thể được sử dụng để xác minh cách bảo quản thích hợp và các điều kiện vận chuyển, cùng với đó là xác minh chất lượng thuốc. 

Chống gian lận bảo hiểm

Blockchain có khả năng giải quyết được vấn đề gian lận bảo hiểm y tế – một vấn đề ước tính hiện đang làm cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ tốn kém tới 68 tỷ $ mỗi năm. Các hồ sơ bất biến trên blockchain được chia sẻ với bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm có thể giúp ngăn chặn hầu hết các dạng gian lận thông thường, bao gồm các hóa đơn thanh toán thủ tục giả mạo hay phí thanh toán các dịch vụ không cần thiết. 

Tuyển dụng thử nghiệm lâm sàng

Một ứng dụng khác của blockchain trong chăm sóc sức khỏe là khả năng cải thiện chất lượng và hiệu suất của các thử nghiệm lâm sàng. Các nhà tuyển dụng lâm sàng có thể sử dụng dữ liệu y tế trên các blockchain để phân loại được các bệnh nhân tiềm năng phản ứng tốt với loại thuốc đang cần xét nghiệm. Hệ thống này giúp cải thiện cực tốt cho việc tuyển dụng thử nghiệm lâm sàng, vì hiện tại rất nhiều bệnh nhân không hiểu rõ về thử nghiệm lâm sàng thuốc và thường sẽ không bao giờ có cơ hội tham gia các cuộc thử nghiệm này. Khi các thử nghiệm này được thực hiện, các blockchain sẽ được sử dụng nhằm đảm bảo tính chân thực của dữ liệu thu được. 

Một số hạn chế

Blockchain nếu được áp dụng trong chăm sóc y tế có thể đem lại nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và các bên cung cấp dịch vụ, tuy nhiên nó vẫn gặp phải một số trở ngại nhất định cần vượt qua nếu muốn được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực này. 

Tính tuân thủ

Lấy Hoa Kỳ làm ví dụ, các công ty cung cấp dịch vụ y tế quan tâm đến việc sử dụng công nghệ blockchain sẽ phải tuân thủ các quy định về dữ liệu hiện hành như Bảo Hiểm Y Tế Di Động và Đạo Luật Trách Nhiệm năm 1996 (HIPAA). Về cơ bản, HIPAA đặt ra các tiêu chuẩn trong việc lưu trữ dữ liệu, chia sẻ và bảo vệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Do đó, để có thể tuân thủ đầy đủ theo quy định, các công ty tại Mỹ sẽ cần phải triển khai các hệ thống hồ sơ blockchain tùy chỉnh, đi kèm với các tính năng tăng cường độ bảo mật và hạn chế truy cập. 

Tốc độ và chi phí ban đầu

Từ góc độ nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp blockchain đi kèm với chi phí đầu tư khởi điểm khá lớn, là một vấn đề gây khá nhiều trở ngại trong việc nhân rộng phương pháp này. Ngoài ra, các hệ thống phân tán có thiên hướng hoạt động chậm hơn đáng kể so với các hệ thống tập trung về mặt tốc độ giao dịch trên mỗi giây. Một mạng lưới blockchain lớn, với nhiều node hoạt động, sẽ cần nhiều thời gian để truyền tải và đồng bộ hóa dữ liệu hơn khi so sánh với các hệ thống tập trung. Đây là một vấn đề khá nghiêm trọng với các cơ sở dữ liệu khổng lồ khi cần phải lưu trữ và theo dõi thông tin của hàng triệu bệnh nhân. Vấn đề này càng trở nên phức tạp hơn khi có liên quan đến các tệp tin ảnh dung lượng lớn như các ảnh chụp cắt lớp hay chụp cộng hưởng từ (MRI). 

Kết luận 

Từ việc tạo ra và chia sẻ các hồ sơ y tế bất biến để tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng thuốc, các mạng lưới blockchain hứa hẹn sẽ mang lại nhiều ứng dụng tích cực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mặc dù đang gặp phải một số thách thức về kỹ thuật, vận tải và quy chế thì việc áp dụng các hệ thống này vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc lưu trữ và chia sẻ dữ liệu y tế trong tương lai. 

Bài viết mới
Tin nổi bật