Nga phát động tấn công vào Ukraine, thị trường tài chính sẽ ra sao?

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này đang tấn công các cơ sở quân sự của Ukraine, nhưng sẽ không tấn công các thành phố của Ukraine, vì vậy không có mối đe dọa nào đối với dân thường. Trong khi đó, Ukraine khẳng định đã bắn rơi 5 máy bay quân sự Nga.

Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đang sử dụng vũ khí chính xác cao để tấn công các cơ sở hạ tầng quân sự, địa điểm phòng không, sân bay quân sự… của Ukraine như một phần của chiến dịch đặc biệt ở Donbass.

Mátxcơva nhấn mạnh Nga sẽ không tấn công các thành phố của Ukraine, vì vậy không có mối đe dọa nào đối với dân thường. “Lực lượng vũ trang Nga không tiến hành bất kỳ cuộc tấn công tên lửa hoặc pháo binh nào vào các thành phố của Ukraine”, trích tuyên bố.

Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố đã bắn rơi 5 máy bay của Nga. Mátxcơva bác bỏ thông tin trên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sáng nay (24/2) thông báo, Điện Kremlin đã quyết định thực hiện “một chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Donbass, khu vực miền đông Ukraine bao gồm các nước ly khai tự xưng Donetsk và Lugansk mà Nga đã công nhận nền độc lập hôm 21/2.

“Tình hình đòi hỏi chúng tôi phải có hành động dứt khoát, nhanh chóng”, Tổng thống Putin nói, đồng thời yêu cầu người Ukraine từ bỏ vũ khí và trở về nhà. Kế hoạch của quân đội Nga không phải là chiếm đóng Ukraine, mà chỉ nhằm “phi quân sự hoá” và bảo vệ người dân Donbass, ông Putin khẳng định.

Đại sứ tuyên bố rằng “hành động khiêu khích của Ukraine với người dân Donbass không những không dừng lại mà còn gia tăng”, khiến các nhà lãnh đạo phe ly khai ở Lugansk và Donetsk phải yêu cầu sự hỗ trợ của Nga. 

Thị trường tài chính sẽ ra sao nếu Nga tấn công Ukraine?

Căng thẳng giữa Nga với Ukraine đã làm gia tăng mức độ biến động trên thị trường tài chính thời gian gần đây.Tuy nhiên, nếu Nga thực sự mở một cuộc tấn công nhằm vào nước láng giềng, đó sẽ là một sự kiện châm ngòi cho việc bán tháo các tài sản rủi ro, khiến giá cổ phiếu tụt dốc và giá hàng hóa cơ bản leo thang cao hơn.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường tài chính toàn cầu chưa phản ánh một sự kiện mang tính thảm họa như vậy, nhưng giá dầu sẽ tăng vọt và giá khí đốt ở châu Âu có thể leo thang cao hơn nữa nếu quân Nga vượt biên giới tiến vào Ukraine. Giá dầu thô và một số hàng hóa cơ bản khác hiện đã bao gồm phần bù rủi ro, trong khi giá một số tài sản Nga như chứng khoán và cổ phiếu đã mất giá đáng kể.

Nếu xảy ra tấn công, đồng USD có thể tăng giá mạnh, giá trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tăng cao, đẩy lợi suất giảm sâu, trong khi giá những hàng hóa cơ bản như lúa mì và kim loại quý palladium sẽ tăng chóng mặt.

RỦI RO LỚN

Tuy nhiên, bà Helima Croft  – trưởng bộ phận hàng hóa cơ bản toàn cầu của RBC – nói rằng khả năng xảy ra một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine có thể cao hơn hình dung của thị trường. “Cho dù khả năng đó chỉ là 50%, thì vẫn là một rủi ro thực sự cao, xét tới những lợi ích liên quan”, bà nói.

Một số nhà phân tích tin rằng Nga sẽ chọn không tấn công, mà thay vào đó sẽ gây ra những trở ngại khác cho Ukraine như chiến tranh mạng hoặc các gián đoạn kinh tế khác. Nhưng nếu Nga thực sự tấn công, Mỹ và Anh đã cam kết ngay lập tức đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, các nhà lãnh đạo và doanh nhân chủ chốt của nước này.

“Điều tôi thực sự biết là nếu xe tăng Nga vượt biên giới, thì giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng”, bà Croft nói. “Chúng ta sẽ cảm nhận rõ rệt điều đó trên thị trường khí đốt ở châu Âu, trên thị trường lúa mì, và trên nhiều thị trường khác. Nga không hề đơn giản đâu”.

Bà Croft giải thích rằng Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Nga cùng Ukraine chiếm khoảng 29% thị trường xuất khẩu lúa mì toàn cầu. “Họ không chỉ là một trạm xăng dầu, họ còn là một siêu nhà kho hàng hóa cơ bản. Họ là một nước sản xuất kim loại lớn. Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là lương thực và năng lượng”, bà Croft phát biểu, và nhấn mạnh rằng lạm phát trên toàn cầu vốn dĩ đã cao hiện nay sẽ leo thang lên một nấc mới.

DÙNG NĂNG LƯỢNG LÀM VŨ KHÍ?

Nga là một trong những nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nga đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu và Mỹ – vì các lý do an ninh – từ lâu đã phản đối việc châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga.

Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đi qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) và cả đường ống đi qua Ukraine. Theo bà Croft, nếu xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine, dòng chảy năng lượng này sẽ bị gián đoạn, chưa kể hạ tầng năng lượng có thể thiệt hại.

Giá dầu thế giới gần đây tăng lên mức cao nhất 7 năm, một phần do căng thẳng Nga-Ukraine, một phần do nguồn cung thắt chặt. Thế giới sẽ càng thiếu dầu hơn nữa nếu các khách hàng sử dụng khí đốt bị thiếu khí đốt và phải chuyển sang dùng thêm dầu thô.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt trong mùa đông năm nay. Hiện tại, giá khí đốt tại thị trường châu Âu là 25 USD/1 triệu đơn vị nhiệt (BTU), cao gấp hơn 5 lần so với ở Mỹ, do thiếu cung và lo ngại rằng căng thẳng sẽ khiến nhập khẩu khí đốt từ Nga gián đoạn. Dù vậy, so với thời điểm mới bắt đầu mùa đông này, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm hơn một nửa.

Theo IHS Market, nỗ lực của Mỹ cung cấp thêm khí hóa lỏng (LNG) cho châu Âu có vẻ đã tạo ra sự khác biệt. Chiến lược gia Michael Stoppard của IHS nói rằng lượng LNG mà Mỹ cung cấp cho châu Âu đã lập kỷ lục trong tháng 1, với 250 triệu mét khối mỗi ngày, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Stoppard, nhiều lô LNG xuất khẩu của Mỹ đã chuyển hướng tới châu Âu, thay vì tới châu Á và Brazil như kế hoạch ban đầu.

Ngoài ra, ông Stoppard nói rằng lượng khí đốt châu Âu nhập khẩu từ Nga đã giảm mạnh, với mức giảm 45% trong tháng 1 so với cùng kỳ 2021.

TÀI SẢN NGA

Nhiều tài sản Nga đã chật vật vì mối lo của nhà đầu tư xung quanh căng thẳng Nga-Ukraine. Các chuyên gia của ngân hàng Barclays nói rằng chênh lệch rủi ro đối với các tài sản Nga đã tăng đáng kể trong mấy tuần gần đây, cùng với đà leo thang của căng thẳng.

“Các tài sản Nga đang yếu hơn so với thị trường nói chung do căng thẳng địa chính trị leo thang và khả năng Nga bị áp các biện pháp trừng phạt mới. Tuy nhiên, cũng có khả năng giá các tài sản Nga sẽ phục hồi mạnh trở lại như thường thấy sau mỗi đợt giảm như thế này”, báo cáo của Barclays có đoạn viết.

Các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) đầu tư vào các tài sản Nga đã bị bán nhiều. Quỹ iShares MSCI Russia ETF đã giảm 7,7% trong một năm trở lại đây và giảm gần 22% trong vòng 3 tháng qua.

Tuy nhiên, đa phần giới chuyên gia không cho rằng xung đột hiện nay sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh, và sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Mỹ.

“Vấn đề Ukraine là một rủi ro, nhưng chúng tôi không cho rằng đó là một nhân tố đang ảnh hưởng dù nhiều hay ít đến thị trường”, ông Christopher nhận định. “Ukraine không phải là một vấn đề, mà Fed và sự thay đổi chính sách tiền tệ của Fed mới là vấn đề thực sự. Mọi người đang băn khoăn không biết Fed sẽ thắt chặt nhanh như thế nào. Tôi cho rằng khi mọi người không còn lo về Fed nữa, thì tự khắc họ cũng không còn lo chuyện Ukraine nữa”.

Bài viết mới
Tin nổi bật